Trẻ học được những điều gì ở trường mầm non?

Trong quá trình tham khảo, tìm hiểu thông tin để định hướng cho con vào ngôi trường phù hợp nhất, chắc hẳn ba mẹ cũng đã nắm được tương đối những thông tin về chương trình học và những hoạt động triển khai trong trường. Tuy nhiên bài viết này sẽ cung cấp cho ba mẹ một góc nhìn khách quan và đầy đủ nhất về không chỉ kiến thức mà còn là kỹ năng sống và những trải nghiệm bé sẽ có được khi đi học mầm non. Từ đó, ba mẹ sẽ dễ dàng đồng hành và thống nhất trong việc giáo dục con với nhà trường, hoặc đơn giản là biết được con đang đạt được những mốc phát triển nào trong độ tuổi của con. Việc có ba mẹ đồng hành sẽ giúp con thấy cuộc sống ở trường cũng thân quen và gần gũi như khi ở nhà, là cơ hội giúp con được luyện tập cũng như thực hành những gì con đã học ở mầm non

1. Trường mầm non quan trọng với trẻ như thế nào?

Kathleen McCartney, Tiến sĩ, trưởng khoa Giáo dục Harvard Graduate School of Education cho biết: “Ở trường mầm non, trẻ được tiếp xúc với các con số, chữ cái và những hình khối. Quan trọng hơn cả, trẻ học cách hòa nhập xã hội, hòa đồng, và biết cách chia sẻ với những bạn nhỏ khác”. Ngoài việc củng cố các kỹ năng xã hội hóa, trẻ biết cách thỏa hiệp, tôn trọng và khả năng giải quyết vấn đề. Trường mầm non cung cấp một môi trường mà con trẻ có thể đạt được ý thức về bản thân, được khám phá những điều mới lạ. Đây sẽ là “xã hội thu nhỏ” đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời của trẻ, ở đó mở ra chân trời mới của những tri thức, là nơi khơi gợi những tiềm năng của mỗi trẻ và là những giờ vui chơi không ngừng nghỉ. 

2. Trường mầm non sẽ dạy trẻ những gì?

Trẻ nhỏ chắc chắn có thể học các chữ cái và chữ số, nhưng để trẻ ngồi xuống và giáo viên “dạy” chúng là một cách làm sai lầm. Giáo viên không nói cho các con đây là số 3, đây là số 4 và các con phải học thuộc nó. Dạy trẻ học qua chơi, đó là cách giáo dục của các trường mầm non. Chẳng hạn, để giúp trẻ học ngôn ngữ và củng cố kỹ năng đọc trước, giáo viên có thể chơi các trò chơi ghép vần và để trẻ kể chuyện. Hãy nhớ rằng đối với trẻ nhỏ, trường học là để vui chơi và đạt được các kỹ năng xã hội – chứ không phải đạt được các mốc điểm số hay thành tích trong học tập. 
Vậy cụ thể hơn nữa, trẻ sẽ học được những gì?

Kỹ năng sống

Ở độ tuổi mầm non, trẻ tựa như một tờ giấy trắng, nhưng đây cũng chính là giai đoạn mà khả năng tiếp thu và bắt chước của trẻ được phát huy tối đa. Đó là khi cuộc sống bao quanh trẻ không còn là ông bà, cha mẹ, vài bạn nhỏ nhà bên, mà đó là một môi trường hoạt động theo giờ giấc cố định, con đến lớp để hoạt động theo khuôn khổ và có chủ đích. Việc được rèn luyện và trau dồi kỹ năng sống ở giai đoạn này là vô cùng quan trọng để trẻ có thể tự lập, tự phục vụ bản thân đồng thời dễ dàng hòa nhịp với các bạn nhỏ khác. Muốn trẻ hình thành được những kỹ năng ấy, trẻ cần được trải nghiệm và rèn luyện tích cực.

  • Kỹ năng tự phục vụ cá nhân: tự vệ sinh cá nhân, tự lấy đồ ăn trưa, biết cất gọn đồ dùng cá nhân vào tủ đồ chung, tự mặc quần áo..
  • Kỹ năng tự bảo vệ bản thân: trẻ biết tránh xa những nguy hiểm, biết xử lý vết thương..
  • Kỹ năng tự lập: biết phụ giúp ba mẹ việc nhỏ ở nhà như gấp quần áo, biết phân biệt đồ ăn, biết dùng đũa và tự chuẩn bị những đồ dùng cá nhân  khi tới trường
  • Kỹ năng giao tiếp: biết cách xưng hô với mọi người ở các lứa tuổi khác nhau, biết cách nói ra những nhu cầu của mình cũng như nói lời xin lỗi, cảm ơn, chia sẻ với mọi người xung quanh.

Kiến thức nền tảng

Hệ thống những môn học này sẽ được triển khai vào những khung giờ chính trên trường và phân bổ đồng đều lượng kiến thức dựa vào các độ tuổi. Các môn học này sẽ cung cấp cho trẻ một nền tảng vững chắc về Toán, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Khoa học, làm cơ sở để tiếp thu những kiến thức cao hơn khi trẻ tiến dần tới bậc tiểu học. Do vậy, những giờ học kiến thức này cần được triển khai theo cách khơi gợi niềm yêu thích của trẻ. Giáo viên biết cách linh hoạt thay đổi các cách thức truyền đạt giúp trẻ tiếp thu một cách tự nhiên. Không chú trọng tới thành tích học tập và điểm số để đặt áp lực lên trẻ, thay vào đó nhà trường có những “bài kiểm tra” để đưa ra những đánh giá về năng lực tư duy và kỹ năng cảm xúc xã hội so với khuyến nghị về các mốc phát triển. Việc này cũng giúp đưa ra các khuyến cáo về việc can thiệp sớm nếu cần.

  •  Toán: kiến thức về đo lường (các con số, đơn vị thời gian), nhận thức về số lượng và các dạng hình khối
  • Văn học: làm quen với bảng chữ cái, cách viết chữ, ghép vần và kể chuyện, hội thoại tương tác, đóng kịch
  • Tiếng Anh: phát âm, từ vựng, phát triển khả năng giao tiếp và ứng dụng trong đa dạng các môn học
  • Khoa học và đời sống: khám phá môi trường cung cấp kiến thức thực tế và nâng cao nhận thức về cuộc sống xung quanh trẻ. 
  • Nghệ thuật: phát triển cảm xúc, tăng khả năng cảm thụ âm nhạc, giai điệu; phân biệt màu sắc, nâng cao sự sáng tạo khi vẽ tranh trong môn mỹ thuật

Hoạt động thể chất và hoạt động ngoại khóa

Giáo dục thể chất ở lứa tuổi mầm non đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những hoạt động này nhằm nâng cao thể lực của trẻ và các kỹ năng vận động để rèn luyện sức khỏe, giúp trẻ phát triển đúng lứa tuổi về cả thể lực lẫn tinh thần.

  • Hoạt động thể chất: tập thể dục mỗi buổi sáng, luyện tập những kỹ năng vận động thô như chạy, bò trườn và chơi những trò chơi ngoài trời như bóng đá, chuyền bóng…
  • Hoạt động ngoại khóa: Tổ chức những chuyến tham quan phục vụ cho việc học hay hoạt động trong những ngày lễ kỷ niệm vô cùng đa dạng và được quan tâm hơn cả ở trường mầm non. Tùy thuộc vào văn hóa của mỗi ngôi trường, hàng tháng, hàng tuần các bé sẽ được tham gia những buổi trải nghiệm các địa điểm nổi bật, đi thực tế quan sát ở sở thú, hoặc các làng nghề để nâng cao niềm yêu thích học tập và kiến thức thực tế bổ trợ cho các môn học. Bên cạnh đó, còn là những hoạt động tập thể trong lễ giáng sinh, Halloween, ngày của mẹ hoặc ngày gia đình. Các bé sẽ được cùng bắt tay vào làm những món quà và những chiếc thiệp nhỏ xinh. Đây là một cơ hội tuyệt vời để trẻ được thể hiện cảm xúc, được thể hiện bản lĩnh và tài năng của mình trong những buổi văn nghệ hay nhạc kịch ngay tại trường 

Với sự khác nhau từ quan điểm giáo dục và xu hướng triển khai kiến thức tới trẻ của mỗi ngôi trường, các bé sẽ được tiếp cận giáo trình phong phú, phương pháp giáo dục khác biệt. Đối với những trường học song ngữ, tiếng Anh sẽ được chiếm ưu thế hơn cả, thêm vào đó là việc tích hợp các phương pháp giáo dục sớm để khai phá và thúc đẩy năng lực ở mỗi cá nhân. Bên cạnh đó,  không thể thiếu sự đầu tư vào những hoạt động ngoại khóa để trẻ có cơ hội được thử và trải nghiệm nhiều nhất. Do vậy, khi tìm hiểu và chọn trường cho con, ba mẹ hãy quan tâm tới phương pháp giáo dục trọng tâm và kiến thức nào sẽ được giảng dạy của ngôi trường con dự định theo học. Thời gian học của tất các con là như nhau và có hạn, vì vậy cha mẹ cần xác định những giá trị giáo dục ưu tiên để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Một ngôi trường tốt cho con bắt buộc cần chia sẻ những giá trị chung về quan niệm sống và quan điểm giáo dục, từ đó mới có thể có định hướng phát triển tốt và đồng nhất cho trẻ.