Khởi động dự án:
Xuất phát từ thắc mắc của các con về những vật dụng xung quanh như chiếc nón, cái bát, bình hoa đã được tạo ra như thế nào, dự án “Làng nghề truyền thống” của An Preschool đã giúp bé giải đáp câu hỏi đó.
Đồng thời, dự án cũng mang đến cho các bé một cơ hội tuyệt vời để khám phá và trải nghiệm những nét đẹp độc đáo của các làng nghề Việt Nam. Trong hành trình giáo dục toàn diện, việc giúp các em học sinh hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống là một phần quan trọng. Với các hoạt động như trải nghiệm làng nghề thực tế và thực hành với đất nặn trên lớp, các bé đã có những kỷ niệm đáng nhớ và học hỏi được nhiều điều bổ ích.
Mở dự án
1. Trải nghiệm thực tế Làng gốm Bát Tràng
Hoạt động đầu tiên của dự án là chuyến thăm quan thực tế đến Làng Gốm Bát Tràng, một trong những làng nghề nổi tiếng với lịch sử lâu đời và sản phẩm gốm sứ tinh xảo. Tại đây các con được tìm hiểu về “Thế nào là Làng nghề truyền thống?” và sản phẩm của Làng nghề là những sản phẩm nào trong đời sống.
Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các bé đã được chứng kiến quy trình làm gốm từ khâu chọn đất, tạo hình đến nung gốm. Các bé đã rất hào hứng khi được thử sức làm thợ gốm nhỏ, tự tay nhào đất và tạo hình những chiếc cốc, bát hay con vật dễ thương. Các bé cũng được chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm sứ tinh xảo và lắng nghe những câu chuyện thú vị về lịch sử và văn hóa của làng nghề.
Đồng thời, chuyến đi cũng hướng tới mục đích tạo cho các con sự tò mò, hứng thú về nghề làm gốm và các sản phẩm gốm nhiều hình thù, màu sắc. Từ đó cô giáo gợi mở dự án thực hành tìm hiểu và thử làm ra các sản phẩm từ gốm để trang trí và sử dụng ở trường
2. Thực hành tạo hình đất nặn và chất liệu nón lá
Sau chuyến thăm quan thực tế, các bé trở về lớp học và tiếp tục dự án với hoạt động thực hành đất nặn và trang trí nón. Các cô giáo đã chuẩn bị sẵn các khối đất nặn mềm mại và các dụng cụ cần thiết để các bé có thể thỏa sức sáng tạo. Dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của cô giáo, các bé đã thực hành nhào nặn và tạo hình từ đất nặn. Ngoài ra, các bạn nhỏ cũng được tiếp xúc với chất liệu làm ra chiếc nón lá và tự tay trang trí chiếc nón tí hon của riêng mình.
Hoạt động này không chỉ giúp các bé phát triển kỹ năng khéo léo, mà còn khuyến khích sự sáng tạo và khả năng tưởng tượng của các bé. Mỗi bé đều tự tay tạo ra những sản phẩm độc đáo như những chiếc cốc, bát, con vật hay cây cảnh nhỏ xinh. Các bé đã rất vui mừng và tự hào về những tác phẩm của mình, và đây cũng là cách để các bé thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo riêng.
Tổng kết dự án
Dự án “Làng nghề truyền thống” đã khép lại với phần thuyết trình thu hoạch và trưng bày sản phẩm đầy ấn tượng của các bé. Qua các hoạt động trải nghiệm làng nghề thực tế và thực hành đất nặn trên lớp, các bạn nhỏ không chỉ hiểu hơn về văn hóa truyền thống mà còn phát triển được nhiều kỹ năng quan trọng như sự khéo léo, kỹ năng sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm. Đồng thời, dự án cũng cung cấp cho các con kiến thức văn hoá đời sống như hiểu biết về khái niệm “Làng nghề” và nét văn hoá lịch sử của dân tộc.