Dự án “SỰ NẢY MẦM CỦA HẠT” – Rèn luyện sự tự do trong tư duy, tự chủ trong hành vi
Dự án được ra đời như thế nào
“Mình ăn hoa quả có hạt, hạt chui vào trong bụng mình, thế là bụng mình mọc hẳn luôn một cái cây cơ á?”. Câu hỏi ngây thơ mà hết sức đáng yêu này được các bé thắc mắc khi được nghe cô kể câu chuyện “Gói hạt diệu kỳ”. Ai ai cũng chờ mong được cô giải đáp, giải tỏa những nỗi lo có một chiếc cây trong bụng. Nhưng thật bất ngờ, cô gợi mở chủ đề “Sự nảy mầm của hạt” để cùng các bé đi tìm hiểu và tự giải đáp cho câu hỏi của mình.
I. Khởi động dự án
1. Quan sát hạt đỗ xanh
Ngay hôm sau, các cô đã chuẩn bị đủ 3 loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, đỗ đen cho các con cùng tham gia quan sát và trả lời câu hỏi. Các con sẽ được nhận biết một cách đầy đủ hạt đỗ một cách toàn diện qua các giác quan: vị giác, thính giác, thị giác, khứu giác.
Câu hỏi 1: Tên của những loại hạt này? Vì sao chúng lại có tên gọi khác nhau?
Câu hỏi 2: Đặc điểm của các hạt này như thế nào?
Câu hỏi 3: Các con nhìn thấy những loại hạt này ở đâu?
Câu hỏi 4: “Nếu gieo các hạt này xuống đất thì điều gì sẽ xảy ra?”
Các bé cùng nhận biết 3 loại hạt với 3 màu sắc khác nhau: Hạt đỗ đỏ có màu đỏ, hạt đỗ xanh có vỏ màu xanh, hạt đỗ đen có vỏ màu đen, từ đó hiểu được tại sao các loại hạt lại có tên gọi như vậy.
Các bé cùng nhận biết 3 loại hạt với 3 màu sắc khác nhau: Hạt đỗ đỏ có màu đỏ, hạt đỗ xanh có vỏ màu xanh, hạt đỗ đen có vỏ màu đen, từ đó hiểu được tại sao các loại hạt lại có tên gọi như vậy.
Không những thế, các bạn cùng nhau phỏng đoán hình khối của 3 loại hạt, là hình bầu dục, có khi là hình tròn, rồi được so sánh kích thước của 3 loại hạt với nhau.
Tiết học này giúp tăng nhận thức của bé về các loại hình khối, kích cỡ và nhận diện màu sắc. Có bé thấy hạt đỗ này mềm, hơi dẻo, có bé cảm nhận hạt đỗ lại hơi cứng, nhưng hạt đỗ đen cứng nhất, hạt đỗ đỏ mềm nhất.
Bé có thể phân biệt được màu sắc, biết so sánh kích thước của 3 vật mẫu, biết nói lên ý kiến của mình rằng “hạt đỗ này không có mùi gì cả cô ạ”.
2. Liên tưởng – Tưởng tượng
Sau khi được quan sát đầy đủ và toàn diện, các bé sẽ được yêu cầu vẽ lại 3 loại hạt theo suy nghĩ và những gì các bạn nhớ được. Các bé không chỉ tô đúng màu sắc, mà còn thể hiện luôn kích thước các loại hạt trên bản vẽ của mình
Những bản vẽ sẽ được xuyên suốt quá trình học dự án, để bé có thể học được cách diễn tả, hình dung lại hình ảnh mình đã quan sát cũng như dự đoán về những trường hợp có thể xảy ra. Những bức vẽ sẽ được thay đổi qua mỗi ngày hạt đỗ lớn lên vì các bé đã tự biết cách quan sát và phác hoạ lại sao phù hợp với thực tế.
“Hạt đỗ sẽ ra thân cây màu nâu, lá màu xanh, lá màu vàng, còn có thể mọc cả hoa nữa”
II.Phát triển dự án
1. Bé trải nghiệm cách gieo hạt đỗ
Các bạn nhỏ đã cùng nhau lên kế hoạch gieo hạt đỗ xanh đầu tiên trên khăn giấy để khám phá điều kỳ diệu nào sẽ xảy ra.
Cùng nhau phân công công việc, bạn nam sẽ nhận nhiệm vụ bê những chiếc khay đặt lên bàn, các bạn khác sẽ thả hạt vào trong khay rồi tiếp đến tưới nước từ từ lên hạt.
Mình cùng chờ cây lớn thôi
Cùng xem các con sẽ dự đoán như thế nào
Tâm Anh: “Nó sẽ nảy mầm cô ạ!”
Thành Long: “Hạt của con sẽ thành cây và lớn, có cả lá nữa”
Qua hơn 7 ngày, các bé chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục từ bên trong của hạt đỗ, các bạn thấy được những điều kì lạ, vỏ hạt đỗ bắt đầu có dấu hiệu tách ra khỏi phần bên trong, xuất hiện kẽ để lộ một đường chỉ nhỏ màu trắng
Ngày thứ nhất: Hạt mới ngấm nước khi nằm bên trong khăn giấy
Ngày thứ Hai : Vỏ của hạt có dấu hiệu mềm ra, hai nửa hạt khẽ tách ra để lộ vết nứt nhỏ và xuất hiện mầm nhỏ
Ngày thứ Ba : Mầm bắt đầu nhú ra khỏi hạt đỗ, có màu xanh non trắng mơn mởn
Ngày thứ Tư: Bắt đầu xuất hiện rễ của cây dài ra, thân cây cũng phát triển theo hướng khỏe và chắc hơn
Ngày thứ Năm: Cây lớn phổng phao, ở bước này, bé có thể đo và ghi chú lại độ dài qua từng ngày của cây, cây bắt đầu tách khỏi hạt và vươn cao hơn
2. Cùng gieo một loại hạt khác để so sánh
Để các bé tiếp thu được thêm những kiến thức liên quan, các cô đã làm một phép so sánh, gợi ý các bạn sẽ gieo thêm một loại hạt khác để xem điều gì sẽ xảy ra, tìm hiểu yếu tố nào giúp cây lớn lên khỏe mạnh.
Lần này, các bạn nhỏ sẽ gieo cho mình hai chậu hạt giống cải mầm. Các con tự đánh số để phân biệt hai chậu, sau đó đem chậu số 1 vào nơi không có ánh sáng và không chăm sóc, chậu số 2 thì ngược lại các con chăm sóc mỗi ngày và để nơi có ánh mặt trời để quan sát điều xảy ra với 2 chậu hạt giống.
Các con thoải mái dự đoán điều gì xảy ra với 2 chậu cùng một hạt giống cải mầm nhưng với điều kiện chăm sóc khác nhau.
“ Con nghĩ cây để trong tối, không tưới nước sẽ chết mất cô ạ!”
Sau khi gieo 2 chậu cải mầm nhưng chăm sóc 2 chậu với điều kiện khác nhau theo dõi sau 3 ngày. Các con nhận thấy sự khác biệt giữa hai chậu khi chậu hạt cải mầm số 1 ở nơi khuất sáng không được tưới và chăm sóc cây không lớn được. Còn chậu hạt cải mầm số 2 được chăm sóc và có ánh nắng mặt trời, hạt phát triển thành cây và xanh tốt.
Và các con đã cùng nhau thể hiện lại về các yếu tố giúp cây phát triển trên phiếu quan sát.
3. Tìm hiểu sâu những bộ phận bên trong hạt đỗ
Với thắc mắc bên trong hạt đỗ có gì mà lại mọc ra được một nhánh cây cùng chiếc lá, các cô đã gợi ý chúng ta sẽ cùng bổ đôi hạt mầm ra, thế là trí tò mò của các bạn lại càng được kích thích hơn.
Các bé háo hức khi được dùng chiếc kính lúp quan sát
4.Hạt đỗ có chất dinh dưỡng gì?
Các con đã đi gặp những bác đầu bếp ở trường để hỏi về giá trị dinh dưỡng của cây và phần nào của cây có thể ăn được. Các con được giải thích về lợi ích của cây cùng các món ăn ngon từ giá đỗ và cải mầm các con trồng được. Ngoài ra, các bác còn mở rộng thêm cho các con một số loại hạt cũng trồng được khá dễ dàng và nhiều dinh dưỡng như đỗ đen, ngô.v.v. Các bạn nhỏ rất thích thú về cuộc gặp gỡ này với các bác bếp và cùng về trò chuyện rằng sẽ ăn thật ngon những món rau cũng như cố gắng không bỏ thừa một thức ăn nào do người thân hay các bác bếp vất vả nấu cho mình nữa.
III. Tổng kết dự án
Sau khi đã có đủ kiến thức, sự trải nghiệm một cách toàn diện với cấu tạo hạt đỗ và quá trình chúng phát triển, các bé sẽ được giao nhiệm vụ hoàn thành bài tập nhóm cùng với các bạn.
Các bé đang tỉ mẩn chọn màu sắc cho chiếc pizza từ hạt của mình
Tadaaa, chiếc pizza từ hạt đầu tiên trên thế giới được tạo ra bởi những đầu bếp nhí ở An nè. Không chỉ có vậy, mỗi bạn nhỏ ở đây, đều có cách chọn lựa thể hiện tác phẩm của chính mình
“Pizza nhân hạt”
Sự sáng tạo của các con thật tuyệt khi bé không ngừng được phát triển và trau dồi, các bé đã dùng đất nặn qua sự khéo léo của bàn tay để mô phỏng lại vòng đời của hạt đỗ
Xoay tròn bàn tay làm thân cây đỗ nào
Hạt đỗ đã lớn lên như thế này
Cuối cùng, là tác phẩm của cả lớp cùng góp tay tạo nên, đây là một phần không thể thiếu sau mỗi lớp học dự án, khi các con đã hoàn thành xong tác phẩm của riêng mình, thì sẽ bắt tay vào tạo nên tác phẩm của cả lớp. Đây chính là kết quả của quá trình thu hoạch thông tin, hình ảnh, cũng như là cơ hội để các bé ôn lại những kiến thức mình đã học
Tác phẩm của các thành viên lớp Monkey cũng ấn tượng không kém đúng không nào
Lời kết
Vậy là dự án “Sự nảy mầm của hạt” đã kết thúc, thắc mắc cây có mọc được trong bụng không của các bé cũng đã được giải đáp, các bé đã hiểu để hạt có thể phát triển thành cây cần có đủ yếu tố: đất, nước, ánh nắng mặt trời….. Qua dự án, các con đã được rèn luyện kỹ năng tư duy hình ảnh, kỹ năng quan sát, cảm nhận và đưa ra lời nhận xét. Không những vậy, con còn học được tinh thần hợp tác, trách nhiệm giữa các thành viên trong lớp khi thay phiên nhau chăm bón cho cây lớn lên. Mỗi sự phát triển nho nhỏ của con qua các dự án là tiền đề để tiếp thu được các kiến thức sau này khi lớn lên, muốn có kiến thức, thì cần phải có thực hành, có trải nghiệm. An sẽ để con được học trong niềm vui và sự say mê mỗi ngày, con sẽ chủ động đi tìm kiến thức, chủ động hỏi và cùng mọi người tìm ra đáp án. Bởi vậy, ở An học chính là trải nghiệm.
ĐÔI LỜI VỀ AN
Ở An, bài học được thiết kế phù hợp và linh động theo nội dung dự án mà các bé chọn. Các dự án sẽ được triển khai xuyên suốt năm học, độ khó của từng dự án sẽ nâng dần theo độ tuổi các bé, đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để có thể thu hút sự tham gia của tất cả các bạn nhỏ. Các bé được định hướng trong hành động, tự do trong tư duy, được cộng tác làm việc với mọi người. Điều này không chỉ làm tăng tính độc lập, tự chủ của các con, mà còn nâng cao các kỹ năng xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, là cơ hội để bé rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông giúp con tự tin vào bản thân mình. Nhà trường sẽ trưng bày tất cả sản phẩm của lớp để cha mẹ cùng thầy cô có thể cảm nhận và nhìn được thành quả của con, cũng như nhận thấy được từng bước trong quá trình phát triển của bé.