Dự án “Xe đạp” - Hành trình khám phá và phát triển tư duy của trẻ
Khởi động dự án
Bắt đầu bằng một thắc mắc nho nhỏ của các cô dành cho các bạn “Phương tiện nào các con có thể tự điều khiển được nhỉ ?”. Ai ai cũng tự hào tranh nhau phát biểu đó là chiếc xe đạp, có bạn bảo “con lái được ô tô, nhưng đó là ô tô điện ở khu vui chơi cơ ạ”. Qua khoảng thời gian cô và các bé thảo luận tìm ra phương tiện mà nhiều bạn trong lớp điều khiển được nhất thì “ Dự án xe đạp ” đã được ra đời, cô trò cùng tìm hiểu về các bộ phận của chiếc xe, vừa để vẽ lên chiếc xe đạp mà con ước muốn có.
I.Tiến hành dự án
1.Quan sát – Nhận biết
Ở nội dung này các bé sẽ được làm quen với mô hình xe đạp, từng bộ phận của xe và tên gọi của chúng qua hình ảnh. Không chỉ vậy, bé còn được tham gia phỏng đoán, tượng tưởng và tự vẽ nên tác phẩm của mình qua những gì quan sát được.
Dự án được mở đầu bằng những bản vẽ tay của các con, con muốn chiếc xe đạp như thế này, có hoa trong rổ, có yên xe màu đỏ, đầy đủ màu sắc sặc sỡ, có chiếc xe của con đang di chuyển trên đường, có chiếc xe nằm dưới thảm cỏ ngát xanh cùng ánh nắng sặc sỡ.
Những bức vẽ đầy sáng tạo của các con
Đầu tiên, các bé sẽ được tham dự tiết học “Tìm hiểu những chữ cái tạo nên từ Xe Đạp” để nhận diện các con chữ và tự mình ghép từ. Nội dung này sẽ bổ trợ cho các con từ vựng, giúp con tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và chủ động hơn.
Tiếp theo, cô sẽ cho các con xem bản vẽ tay của chiếc xe đạp đầy màu sắc, có các ô trống để các con điền từng bộ phận của chiếc xe. Các bé rất tự tin, hăng hái thảo luận xem từng bộ phận này sẽ có tên đúng là gì nhỉ?
Không biết mình đã điền đúng chưa?
Sau khi tìm hiểu về cấu tạo của từng bộ phận, các con sẽ đi tới một chủ đề vô cùng thú vị “Chất liệu từng bộ phận của chiếc xe là gì”
“Bánh xe được làm bằng gỗ phải không cô”
“con nghĩ khung xe được làm từ nhựa”
Khi các con đã có cái nhìn tổng thể về chiếc xe đạp, các cô sẽ gợi mở cho các con tư duy về hoạt động của chiếc xe, “Nhờ những bộ phận nào để các con có thể di chuyển được xe nhỉ?”
- Minh An: Con nghĩ cái dây xích nó sẽ giúp xe đạp đi được.
- Linh Chi: Khi chúng ta đạp chân vào bàn đạp thì dây xích cũng sẽ quay ạ.
- An phong:Bàn đạp là để cho chân vào, rồi xe sẽ đi được .
- Ruby: Dây xích và bàn đạp giúp chúng ta điều khiển được xe.
Một phần không thể thiếu của lớp học Dự Án, đó là phần tư duy phản biện “Vì sao lốp xe được làm từ cao su ?, các con hãy cùng tìm những chất liệu thay thế”. Các bé đã trả lời được câu hỏi một cách xuất sắc vì đưa ra được những lý lẽ vô cùng thuyết phục, “Nếu không được làm từ cao su, bánh xe sẽ xì hết hơi và chỉ còn sắt bên trong” hay là “Cao su mềm và làm xe di chuyển được”
Bé cùng bạn quan sát lốp cao su
Hàng loạt những vật liệu thay thế được mà các con quan sát trong đời sống, nhưng thay bằng gỗ xe sẽ không đi được “vì phát ra tiếng kêu cạch cạch cô ơi”, nếu thay bằng nhựa sẽ bị gãy nhanh lắm ạ”
Các bé cùng tham gia phỏng đoán những vật liệu thay thế được
Sau khi được quan sát, cảm nhận trực tiếp, các bé đã hiểu được lý do tại sao xe đạp được thiết kế như vậy. Phiếu quan sát sẽ là thành quả, là bản thu hoạch những kiến thức bé đã tiếp thu được.
Qua hàng loạt bài học về kiến thức tổng quan, các bé đã biết cách đặt câu hỏi “ Tại sao” “Như thế nào” , biết xe đạp dùng cho địa hình như thế nào, biết cách bảo vệ bản thân an toàn khi đi xe đạp. Đặc biệt, bé sẽ được rèn luyện kĩ năng giải quyết tình huống, “Nếu đang di chuyển trên chiếc xe đạp các mắt xích bị đứt ra điều gì sẽ xảy ra?”
2.Tạo hình mô phỏng
Để trí tưởng tượng của trẻ thêm phong phú phát triển khả năng tư duy hình học cho con, các cô đã mang tới tiết học “Các dạng hình học của bộ phận xe đạp” và được các con hoàn thành vô cùng đẹp mắt và đầy tính sáng tạo. Tay lái xe sẽ có hình trái tim, hình tam giác, có khi là hình lấp lánh, bánh xe thì hình tròn, khung xe chữ nhật, hộp xích thì giống cái máy cưa, giống cái còi thổi nữa.
Những chiếc xe tự tay các con vẽ
Các bé sẽ được giao nhiệm vụ tự tay thiết kế tác phẩm xe đạp của mình, dựa trên những vật dụng tái chế, thân thiện với môi trường. Mỗi bé sẽ có tác phẩm của mình, để về khoe ba, khoe mẹ, hãy cùng xem các con khéo léo như thế nào cha mẹ nhé.
Chiếc xe đạp handmade của bé Trang Thanh
Tận dụng những vật dụng đơn giản và gần gũi với các con nhất như ống hút, vỏ bánh cupcake thật dễ thương
Thú vị hơn cả là tiết học trang trí, các bé còn được tự tay chuẩn bị những dụng cụ trang trí bánh xe, với đầy đủ các màu sắc cho những chiếc nan hoa
Bé được thỏa sức trang trí bánh xe với đủ loại màu sắc
3.Bài tập thực hành nhóm
Để tăng thêm độ khó và rèn luyện sự khéo léo cho các bé có thể làm được những mô hình cầu kì hơn, các bé cần có sự hợp tác với nhau, cùng nhau chuẩn bị và tô vẽ, tạo ra chiếc xe đạp với kích cỡ như một chiếc xe đạp mini. các bé biết tận dụng bìa giấy làm bánh xe, chấm phá màu sắc thêm phần rực rỡ, quấn thêm sợi len lên khung xe thêm phần chắc chắn, dùng que kem làm khung xe…
Chiếc xe đạp có thể tự đứng vững được rồi này
Điều thú vị còn chưa dừng ở đó, hãy tiếp tục xem các bé có thể tận dụng những vật dụng nào để làm ra chiếc xe đạp nữa ba mẹ nhé.
Sự sáng tạo không ngừng của trẻ
Các bé đã tận dụng vỏ hộp sữa chua làm yên xe, lõi giấy làm bánh xe và khung xe, đã được biến tấu và tô lên mọi màu sắc các bạn yêu thích
III. Trải nghiệm thực tế
An luôn ưu tiên, tạo nhiều cơ hội nhất cho trẻ được trải nghiệm bài học ở ngoài đời thực, giúp kiến thức sẽ được bé tiếp thu một cách dễ dàng và tự nhiên nhất. Bé được quan sát một chiếc xe mini, được đi thử và nghiên cứu từng bộ phận của xe cùng các bạn.
Các bé được trực tiếp quan sát một chiếc xe đạp, được nghiên cứu bộ phận của lốp xe.
Được ra ngoài sân chơi tìm hiểu chiếc bánh xe có gì
Ngoài phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy, bé còn cần thêm những kiến thức về bảo vệ bản thân, tự xử lý những tình huống đơn giản trong cuộc sống, đặc biệt ở bài học này là cách bảo vệ bản thân để đi xe cho an toàn, bé biết cách đội mũ, đeo đồ bảo hộ vào đầu gối khuỷu tay – những bộ phận quan trọng của cơ thể
Cùng nhau nhận diện những dụng cụ bảo hộ khi đi xe sao cho an toàn.
IV.Tổng kết dự án
Vậy là các bé đã có một tháng để thực hiện “dự án chiếc xe đạp”, bản báo cáo sẽ được tất cả thành viên trong lớp cùng thực hiện, mỗi bạn một nhiệm vụ và thành phẩm sẽ được trưng bày tại Gallery của trường. Với sự khéo léo của mình, các bé đã tạo ra cho riêng mình một chiếc xe đạp mini từ những vật dụng hàng ngày, vô cùng sáng tạo và đáng yêu.
Qua Dự án xe đạp – áp dụng phương pháp Dạy học dự án của trường An Preschool, là mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm. Các bé được tự mình tiếp thu kiến thức qua việc đưa ra đáp án cho những câu hỏi gợi mở, mỗi câu trả lời, ý kiến của các bé phản ánh quá trình sinh hoạt và quan sát một cách rất rõ ràng. Bên cạnh đó, bé được phát triển đầy đủ kỹ năng liên quan thông qua các nhiệm vụ mang tính mở, khuyến khích trẻ tìm tòi, hiện thực hóa kiến thức đã học và tạo ra sản phẩm cho chính mình. Chương trình được xây dựng dựa trên những câu hỏi định hướng quan trọng, lồng ghép các nội dung chuẩn và tư duy bậc cao trong bối cảnh thực tế
Ở An, bài học được thiết kế phù hợp và linh động theo nội dung dự án mà các bé chọn. Các dự án sẽ được triển khai xuyên suốt năm học, độ khó của từng dự án sẽ nâng dần theo độ tuổi các bé, đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để có thể thu hút sự tham gia của tất cả các bạn nhỏ. Các bé được định hướng trong hành động, tự do trong tư duy, được cộng tác làm việc với mọi người. Điều này không chỉ làm tăng tính độc lập, tự chủ của các con, mà còn nâng cao các kỹ năng xã hội, kỹ năng làm việc nhóm, là cơ hội để bé rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông giúp con tự tin vào bản thân mình. Nhà trường sẽ trưng bày tất cả sản phẩm của lớp để cha mẹ cùng thầy cô có thể cảm nhận và nhìn được thành quả của con, cũng như nhận thấy được từng bước trong quá trình phát triển của bé.