Học mầm non ở độ tuổi nào là tốt nhất cho trẻ?

Chắc hẳn việc cho con đi học mầm non ở độ tuổi nào là tốt nhất luôn là câu hỏi khiến phần lớn các bậc phụ huynh phải trăn trở và lo lắng. Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tâm lý, không có một đáp án về độ tuổi phù hợp nhất cho các bé, bởi điều đó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khoẻ, khả năng hòa nhập và phát triển ở trẻ. Liệu sau khi sinh, mẹ có thể nghỉ ở nhà từ 1-2 năm để trông trẻ hay không, hoặc trong gia đình có thể nhờ người thân giữ bé hay không, điều này cũng ảnh hưởng tới quyết định của bố mẹ vào độ tuổi cho con đi học.

Ở Nhật Bản, thậm chí trẻ đã đi học ngay từ khi 6 tháng tuổi tại các trường tư thục, bất ngờ hơn là ở Đức – một đất nước coi trọng kỷ luật và có nền giáo dục hoàn hảo khi hướng tới lợi ích của con người, khuyến khích sự phát triển tự nhiên, con có thể đi nhà trẻ ngay từ khi mới 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, lại có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em ở Đức phát triển tốt và biết cách giải quyết những tình huống tốt hơn. 

Việc đi học sớm có những ưu điểm gì?

Giai đoạn tầm 5-10 năm trở về trước, các gia đình Việt có xu hướng cho trẻ đi học mầm non sau 3 tuổi. “Đi học sớm” trong bài viết này bàn luận về việc đi học trong giai đoạn sớm hơn từ 1 – 3 tuổi.

Theo UNICEF, giai đoạn phát triển từ 1 – 3 tuổi được ví như “thời điểm vàng” bởi các tế bào não của bé có thể tiến hành đến 1000 kết nối mỗi giây, đồng nghĩa với việc trẻ hấp thu kiến thức mới rất tuyệt vời. Những kết nối này góp phần vào sự phát triển chức năng của não và khả năng học tập của trẻ, đồng thời tạo nền tảng cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ trong tương lai. Bạn sẽ thấy trẻ như miếng bọt biển, không bao giờ biết mệt trong việc vui chơi và khám phá. Đừng bị đánh lừa bởi trí nhớ ngắn hạn ở trẻ mà nghĩ rằng trẻ học được ít hơn người lớn. Vì lượng kiến thức trẻ nạp vào là vô cùng lớn mỗi giây, não bộ sẽ chọn lọc các kiến thức cần thiết và kiến thức trẻ hứng thú, nên bạn sẽ thấy có những điều mới trẻ có thể nhớ ngay trong khi có những thứ sẽ mất thời gian lâu hơn.

Bé tham gia lớp học Âm nhạc

Với tiềm năng của trí não chỉ có duy nhất ở giai đoạn này, người lớn cần tận dụng để cho trẻ một môi trường định hướng phát triển bài bản và phù hợp nhất. Bỏ lỡ thời điểm vàng không có nghĩa là trẻ sẽ kém thông minh hơn, nhưng việc học sẽ vất vả và lâu hơn nhiều bởi tốc độ hình thành kết nối nơ ron thần kinh sẽ giảm dần theo độ tuổi. 

Trong môi trường mầm non, chương trình học cần được thiết kế để khai thác tối đa tiềm năng của trẻ. Giai đoạn 1-3 tuổi khi đi học, trẻ sẽ phát triển được những kỹ năng như:

  • Khả năng phát triển ngôn ngữ và học hỏi kiến thức: Việc giao tiếp ở lớp với thầy cô và các bạn sẽ giúp trẻ tăng vốn từ vựng, để học cách nói lên cảm xúc và nhu cầu của mình thông qua ngôn ngữ nói thay vì thể hiện các hình thái không tích cực như quấy khóc, ăn vạ… Việc học hỏi kiến thức đa phần sẽ tối ưu và chuyên biệt hơn ở môi trường trường học, trừ khi cha mẹ có những giáo trình dạy con ở nhà (homeschooling) bài bản để thay thế. Một điểm cộng nữa là việc tương tác với các bạn đồng trang lứa và các anh chị lớn hơn cũng gia tăng tốc độ học hỏi ở trẻ
  • Khả năng tự lập: Ngay khi tới trường, các bé phải tự thực hiện rất nhiều hoạt động như rửa tay, đội mũ, cất dép, cất ba lô vào tủ. Thậm chí, nhiều bé có thể học tự đánh răng từ rất sớm nếu được khuyến khích.

 

  • Kỹ năng xã hội và khả năng thích nghi: Việc thay đổi môi trường không tránh khỏi sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc và hành động của các bé. Tuy nhiên, các hoạt động sôi nổi và những điều mới lạ trên trường sẽ cho bé sự hứng thú và nhanh chóng cho bé thích nghi. Việc rời xa bố mẹ cả ngày dài sẽ không còn là nỗi lo lắng và sợ hãi của trẻ chỉ trong vòng 1 tuần khi trẻ đã cảm nhận được sự an toàn của môi trường mới và tình yêu thương của thầy cô.
  • Phát triển vận động: Không thể phủ nhận các hoạt động thể chất đa dạng tại các trường mầm non hiện nay đã giúp trẻ phát triển những kỹ năng vận động thô và vận động tinh sớm hơn rất nhiều. Trẻ tham gia vào các hoạt động bò, chạy, nhảy thông qua các hoạt động chơi để rèn sự cứng cáp và khéo léo cho đôi tay và đôi chân của mình. Bố mẹ sẽ bất ngờ trước sự tiến bộ vượt bậc của kỹ năng vận động thô của trẻ. Đối với kỹ năng vận động tinh, trẻ được luyện tập với các dụng cụ chuyên biệt và sử dụng các dụng cụ theo khả năng của bản thân.
  • Khả năng sáng tạo: Các bé đi học sớm có khả năng phát triển trí tưởng tượng tốt hơn thông qua các trò chơi có định hướng và phương pháp dạy học hiện đại. Các cô sẽ dạy bé vẽ, kể chuyện cho bé nghe cũng như để bé tự kể các câu chuyện của riêng mình.

Khám phá tiết học trong môn Dự án khoa học

Từ 1- 3 tuổi là giai đoạn bé bắt đầu phát triển mạnh về các giác quan và nhận thức, vì vậy từ 1 tuổi trở lên là thời điểm thích hợp gửi bé đến nhà trẻ, lúc này bé đã nói chuyện rõ ràng và bắt đầu có nhu cầu kết bạn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, trẻ từ 15 – 24 tháng là thời điểm thích hợp nhất để đi lớp. Lứa tuổi đó các bé đã cứng cáp, ăn uống sinh hoạt tốt, có khả năng thích nghi với môi trường mới tốt, ham thích học hỏi và vui chơi. Còn nếu để 3 tuổi mới tới lớp thì khá muộn, vì khi đó bé đã có thể có tư tưởng và hành động “chống đối” việc đi lớp khi phải thay đổi môi trường mới, cũng như việc tiếp nhận các thông tin bên ngoài sẽ khó khăn hơn”.

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý điều gì khi trẻ đi học mẫu giáo sớm?

Để giúp cho việc đi học của trẻ trở nên dễ dàng hơn, ba mẹ cần lắng nghe sức khỏe và tinh thần của con. Bé đã biết đi chập chững hay đã đi vững với khung xương đã cứng cáp. Bé đã biết ra dấu hiệu với những nhu cầu của mình như khi đói, hoặc khi muốn đi vệ sinh. Khả năng tương tác của bé với mọi người cũng cần được ba mẹ chú ý. Nếu bé sợ người lạ hoặc quấn bố mẹ, thì chắc hẳn việc đi học ban đầu sẽ gây khó khăn cho cả gia đình. Bố mẹ nên dần tập cho bé có những bước đệm ban đầu để việc thay đổi môi trường dễ dàng hơn. Bố mẹ cũng lưu ý về thời khoá biểu ở trường và cho bé tập sinh hoạt theo lịch mới một vài tuần trước khi bắt đầu đi lớp.

Bé trình diễn tài năng ngày "Lễ trưởng thành"

Để bé yêu có những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong những ngày tháng đầu tiên đi học, ba mẹ hãy tham khảo bài viết “Hành trang cho trẻ khi đi học mầm non” .
Ngoài ra, để có thể ra quyết định về việc cho trẻ đi học độ tuổi nào là hợp lý, ba mẹ có thể tham khảo ý kiến từ những phụ huynh đã có kinh nghiệm, từ thầy cô giáo mầm non để có cái nhìn tổng quan và thiết thực nhất cho con.